Nhạc cụ truyền thống giữ hồn bản sắc văn hóa dân tộc Mông

Người Mông là dân tộc yêu thích âm nhạc. Âm nhạc dân gian của họ độc đáo và giàu bản sắc, khó lẫn với âm nhạc dân tộc khác. Nhạc cụ của dân tộc Mông được làm từ những vật dụng quen thuộc với con người như lá rừng, cây trúc…nhưng lại vô cùng độc đáo, riêng biệt.

 

Khèn: Là loại nhạc cụ nổi tiếng của dân tộc Mông, được coi là biểu tượng, linh hồn văn hóa dân tộc Mông.

Hình ảnh cây khèn trở thành một phần văn hoá không thể thiếu của người Mông trên non cao

Với người Mông, khèn là sợi dây kết nối giữa thế giới hiện hữu với thế giới tâm linh; là nỗi lòng tự sự, là niềm vui, nỗi buồn riêng có. Và vì thế, những cây khèn được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành một phần văn hoá không thể thiếu của người Mông trên non cao.

Tiếng khèn bay lên giữa những dãy núi điệp trùng nơi mảnh đất vùng cao, lúc trầm bổng, da diết, lúc vui tươi, rộn ràng. “Con trai không biết thổi khèn thì cây ngô không mọc. Con gái không biết nghe tiếng khèn thì dòng suối không biết chảy đi đâu”. Đó là câu dân ca người Mông hay hát bao đời nay. Tiếng khèn là thứ gắn với họ trên mọi nẻo đường thiên lý, là tiếng lòng của họ lúc tiễn biệt nhau, lúc nhớ thương người yêu, lúc vui mùa xuân đến…

Cây khèn nhìn đơn giản, nhưng để làm ra nó, phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ. Nguyên liệu làm ra cây khèn Mông chính là những cây trúc ven suối, ven rừng. Những cây trúc này phải là những cây trúc già, trên 10 năm tuổi, phải chắc, thẳng, đều đẹp.

Cây trúc là nguyên liệu để làm nên khèn Mông

Một cây khèn thường có 6 ống, được gộp trục lại với nhau, sau đó người thợ sẽ khéo léo đục lỗ trên mỗi ống. Khèn Mông có ba bộ phận chủ yếu. Bầu khèn được làm chủ yếu từ gỗ thông. Ống khèn được làm từ ống trúc và những chiếc lưỡi gà làm bằng đồng. Tác dụng của lười gà làm để tạo nên thứ âm thanh trầm bổng khi được lắp vào ống khèn. Rèn lưỡi gà là công đoạn khó nhất khi làm khèn. Ống dài phát ra âm trầm. Ống ngắn phát ra âm bổng.

 

Khèn có mặt trong hầu hết các hình thức sinh hoạt văn hóa của đồng bào Mông, trở thành vật linh thiêng, tiếng khèn kết nối giữa trần gian và thế giới tâm linh, là vật trung gian để con người trao đổi tâm tư, tình cảm. Khèn có mặt trong hội xuân, là vật bất ly thân của các chàng trai người Mông. Khèn trong lễ cúng thần linh là vật kết nối giữa hai thế giới thực và tâm linh. Trong đời sống tình cảm, cây khèn và âm thanh du dương từ khèn là công cụ quan trọng để các chàng trai tỏ tình với cô gái.

Giữa đại ngàn, thanh âm tiếng khèn vang cao, vang xa, là minh chứng rõ nét nhất cho vẻ đẹp văn hoá truyền thống, là phương tiện kết nối cộng đồng, giao lưu văn hoá, là niềm tự hào bao đời nay của đồng bào Mông. Tiếng khèn, cây khèn là nhân chứng theo suốt cuộc đời của mỗi người Mông.

Cùng với loại nhạc cụ nổi tiếng này là điệu múa khèn cũng rất đặc sắc. Múa khèn chỉ có nam giới thực hiện. Múa khèn của người Mông có nhiều bài, phổ biến nhất là: khèn gọi bạn, khèn tỏ tình, khèn múa ô… Chàng trai Mông lấy âm thanh của tiếng khèn thay tiếng lòng muốn nói. Vừa múa khèn, vừa ngậm đầu khèn thổi, đôi tay uyển chuyển luồn cây khèn ra mạn sườn, ra sau lưng, động tác uyển chuyển, thuần thục, dứt khoát. Kết thúc bài múa, chàng trai Mông thường ngồi xuống, hai chân sàng qua, sàng lại hai bên nhưng miệng vẫn ngậm khèn thổi theo tiết tấu, nhịp điệu cho đến khi kết thúc bài múa.

Kèn lá là loại nhạc cụ dễ tìm nhất, không mất thời gian chế tác. Kèn lá chỉ là một chiếc lá còn tươi, người ta dùng tay áp lên môi và thổi. Lá để thổi là những thứ lá tương đối mỏng, trơn, không có lông. Lá nghiến, lá chuối, lá cây thảo quả…có bề mặt rộng, bóng nhẵn, không có răng cưa thường được người Mông sử dụng để làm kèn lá. Nếu chiếc khèn gắn bó, thân thuộc với các chàng trai, thì kèn lá là loại nhạc cụ sinh ra để dành cho các cô gái Mông. Thiếu nữ dân tộc Mông hay dùng kèn lá để tâm sự, tỏ tình. Âm thanh của kèn lá được dùng để gửi gắm, bày tỏ nỗi lòng, tình cảm của con người đối với thiên nhiên, giữa con người với con người và thổ lộ tình cảm của tình yêu đôi lứa.

Lá nghiến, lá chuối, lá cây thảo quả…có bề mặt rộng, bóng nhẵn, không có răng cưa thường được người Mông sử dụng để làm kèn lá

Có nhiều cách thổi kèn lá nhưng thường sử dụng theo hai cách. Một là ngậm ngang chiếc lá ở giữa hai môi, dùng môi để giữ và kết hợp giữa việc sử dụng lưỡi và hơi đẩy ra qua kẽ hở của môi. Hai là dùng ngón tay trỏ và ngón tay cái ở hai bàn tay để giữ hai đầu của lá sau khi đã ngậm ở môi, dùng lưỡi kết hợp với môi đẩy hơi tạo ra âm thanh. Khi thổi, lá dùng làm kèn được gập đôi lại ở phần mép lá mỏng hơn và ngậm vào môi, dùng hơi điều chỉnh âm thanh cao thấp, trầm bổng theo âm điệu của bài hát.

Bằng sự khéo léo của mình, người phụ nữ Mông có thể mô phỏng tiếng kèn lá như tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót thanh cao và những lời tỏ tình say đắm. Bởi vậy, đồng bào Mông thường ví von về kèn lá như sau: Ở trên cành là lá/ Đặt trên môi em thành lời/ Lời tâm tình dịu êm… Họ nhắn nhủ biết bao tâm tư, tình cảm thông qua tiếng kèn.

Kèn lá không tạo được âm điệu trầm, thấp. Âm thanh của nó bao giờ cũng lảnh lót và cao vút. Tiếng kèn lá như tiếng chim hót thánh thót nơi núi rừng. Loại nhạc cụ dân dã này thường được sử dụng trong những dịp như cưới hỏi, các lễ hội và trong đời sống thường ngày. Người Mông thổi kèn lá bất kỳ nơi đâu và bất kỳ thời điểm nào, trong lúc đợi nhau xuống chợ, trong các buổi giao lưu, gặp gỡ, thậm chí khi lên nương rẫy. Đặc biệt, khi mùa xuân đến, trên các triền nương, lưng đồi bạt ngàn sắc trắng của hoa mận, phơn phớt hồng của hoa đào, tiếng kèn lá âm vang khắp núi rừng khiến cảnh vật càng tươi mới, bừng sáng.

Sáo của người Mông được làm từ cây trúc, thường dùng để tỏ tình. Các chàng trai người Mông từ xưa đến nay thường thổi sáo, dùng tiếng sáo làm tín hiệu, để bày tỏ tình cảm trong hội xuân hoặc trong cuộc sống thường ngày. Cũng như học khèn, các chàng trai người Mông học sáo từ rất sớm. Cây sáo như người bạn đường khi lên nương xuống chợ, thể hiện tiếng lòng của các chàng trai người Mông với cô gái mình thương, với làng bản và thiên nhiên hùng vĩ. Vào những đêm mùa xuân, ở rất nhiều bản làng người Mông, tiếng sáo Mông vắt vẻo lưng chừng núi như lời thủ thỉ của núi rừng tạo nên một âm thanh rất đặc trưng khiến nhiều du khách có cảm nhận tâm hồn như được lạc trôi giữa thiên nhiên hùng vĩ, huyền ảo.

Tiếng sáo Mông vắt vẻo lưng chừng núi tạo nên một âm thanh rất đặc trưng nơi vùng cao

Ống hát là hai ống tre rỗng hai đầu, dùng bong bóng lợn đã được thổi căng và để khô bưng vào một đầu của ống tre, đầu kia để trống; dùng dây chỉ dài nối hai đầu đã được bưng của hai ống tre với nhau. Hát ống là một hình thức sinh hoạt văn hoá – âm nhạc khá phổ biến của người Mông. Mỗi người cầm một ống, một người hát vào đầu rỗng của ống tre, người kia áp ống vào tai để nghe. Khi hát ống thì một đầu hát còn một đầu nghe, đối tượng hát ống thường là những người đã yên bề gia thất hoặc những đám trai gái hát đối nhau… Âm thanh sẽ truyền qua sợi lanh nối giữa hai ống tới bên người nghe. Hát ống là một hình thức sinh hoạt tập thể thường chỉ diễn ra ở các lễ hội hay các phiên chợ đông người ngoài bãi chơi.

Hát ống – một hình thức sinh hoạt văn hoá – âm nhạc khá phổ biến của người Mông

Ngoài ra, nhạc cụ truyền thống của người Mông còn có trống, cây gậy tiền (múa sênh tiền), đàn nhị… Các nhạc cụ được chế tác từ chính bàn tay khéo léo, sự tỉ mỉ, sáng tạo của chính những người sử dụng.

Vào những dịp lễ hội lớn của đồng bào Mông, như hội gầu tào, bên cạnh các trò chơi dân gian như đánh quay, đu quay, bắn nỏ… thì những điệu múa khèn, hội hát ống giao duyên… luôn thu hút rất đông người tham gia. Đến nay, nhiều loại nhạc cụ gắn liền với đời sống của đồng bào vẫn được gìn giữ và lưu truyền qua bao thế hệ, trở thành những tài sản quý giá trong kho tàng văn hóa dân gian các dân tộc./.

Mộc Miên

Theo Cổng Thông Tin Điện Tử Đảng Bộ Tỉnh Tuyên Quang

https://tuyenquang.dcs.vn/DetailView/135354/36/Nhac-cu-truyen-thong-giu-hon-ban-sac-van-hoa-dan-toc-Mong.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *